31 thg 7, 2013

CẨN TRỌNG KHI SỬ DỤNG PHÂN BÓN DẠNG LỎNG AMI AMI

TT - Sau khi Tuổi Trẻ thông tin về loại phân bón hữu cơ Ami Ami được sản xuất từ chất thải của công nghiệp bột ngọt, một số nhà chuyên môn cho rằng nông dân cần biết rõ hơn tính chất của loại phân này...
Đọc kết quả phân tích mẫu phân bón hữu cơ Ami Ami của Công ty Ajinomoto VN, tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam - nói đây là dạng phân hữu cơ có nguồn gốc từ chất thải của công nghiệp bột ngọt, có thể sử dụng cho cây trồng. Ông Nghĩa cho biết Công ty Vedan cũng sản xuất một loại phân tương tự với tên thương mại là Vedagro, cũng có nguồn gốc từ chất thải của công nghiệp bột ngọt...
Con dao hai lưỡi
TS Nghĩa cho rằng loại phân lỏng này sử dụng cho cây trồng cạn tốt hơn cây trồng nước (cây lúa). Với môi trường ở vùng cây trồng nước, nếu là mùa mưa hoặc do ngập lụt thì lượng nước lẫn phân từ trong các ruộng lúa sẽ tràn ra môi trường bên ngoài (hoặc do chủ ruộng tháo nước ruộng), mang theo hàm lượng nhất định các chất dinh dưỡng. Đây là điều có thể dẫn đến khả năng xảy ra hiện tượng phú dưỡng, gây ô nhiễm môi trường.
Theo TS Nghĩa, ở những vùng đất đỏ, đất xám... miền Đông Nam bộ, Công ty Ajinomoto có tổ chức nghiên cứu, đánh giá khá chi tiết việc sử dụng phân Ami Ami; còn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất bùn, nhiều phù sa, môi trường nước - chưa thấy có những nghiên cứu, đánh giá tương tự, đặc biệt là những tác động đến môi trường ở vùng có điều kiện tự nhiên khá đặc thù này. TS Nguyễn Đăng Nghĩa khuyến cáo trách nhiệm của nhà sản xuất là phải hướng dẫn cặn kẽ phương pháp và qui trình sử dụng cho người dân, nếu không “việc sử dụng loại phân này sẽ là con dao hai lưỡi có tác dụng ngược”.
Ông Nguyễn Văn Giàu - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai - cũng nói rằng nếu loại phân được làm từ phế phẩm của công nghiệp bột ngọt mà đổ tập trung một chỗ hoặc phun rải không đều, liều lượng không được kiểm soát nghiêm ngặt thì cây cối quanh khu vực đó sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí bị chết.
Nhưng khía cạnh môi trường cả về trước mắt lẫn lâu dài khi sử dụng những loại phân có nguồn gốc từ chất thải công nghiệp sản xuất bột ngọt không phải bây giờ mới được đặt ra. Vào đầu năm 1999, cơ quan chuyên môn về môi trường của tỉnh Bình Phước đã có hỏi ý kiến về việc sử dụng loại phân này, Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) trả lời rằng đây là những loại phân đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận và cho sử dụng. Tuy nhiên, lúc bấy giờ Cục Môi trường có cung cấp một thông tin rất đáng lưu ý: thực tế sử dụng thử các loại phân này tại một số địa phương cho thấy sau khi bón phân có biểu hiện xảy ra ô nhiễm đất, nước mặt, giảm độ pH...
“Cần nhấn mạnh các chỉ tiêu phân tích và các tiêu chuẩn chất lượng được công bố mới chỉ là những ý kiến chủ quan của nhà sản xuất” - TS Nghĩa lưu ý. Ông Nghĩa đặt vấn đề: có cơ quan quản lý nào yêu cầu các nhà sản xuất phải công bố thêm các chỉ tiêu có nguy cơ gây độc đến môi trường? Ví dụ như ion natri, những loại vi sinh vật có hại, ion hydro, kể cả các kim loại nặng... Theo ông Nghĩa, điều này đòi hỏi các nhà quản lý phải hiểu rõ bản chất của từng loại chất thải để có cách kiểm soát. “Đây phải là trách nhiệm của các nhà quản lý để bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng” - ông Nghĩa nhấn mạnh thêm.
Xử lý chất thải một cách khôn ngoan?
Có thời kỳ người ta toan tính mang chất thải của công nghiệp bột ngọt đổ thẳng ra biển mà không cần xử lý gì. Câu chuyện đó cũng đã ầm ĩ một thời. Thế rồi về sau loại chất thải có nguồn gốc từ ngành công nghiệp này trở thành... phân bón! Nhà sản xuất không những không mất tiền xử lý chất thải mà còn có được một khoản thu lớn hằng năm từ tiền bán phân cho nông dân.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trung - trưởng phòng điều hành phòng quan hệ cộng đồng, Công ty Ajinomoto VN - lại nói: “Chúng tôi không coi đây là chất của công nghiệp sản xuất bột ngọt mà là nguyên liệu sản xuất phân. Không có chúng sẽ không có phân Ami Ami”!
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, “việc sử dụng thứ phẩm của công nghệ sản xuất bột ngọt để làm phân cũng có thể coi như là một phương án xử lý chất thải”. Trên thực tế, nguồn “nguyên liệu” đó không được giải quyết đầu ra thì sẽ trở thành một thứ chất thải công nghiệp thật sự. Còn theo giới chuyên môn, nếu không có cách giải quyết nguồn chất thải bằng phương thức này hoặc phương thức kia thì ngành công nghiệp bột ngọt sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí ngưng trệ sản xuất.
Một số ý kiến nêu rõ: việc người nông dân tiêu thụ phân Ami Ami (hay loại phân có nguồn gốc tương tự), ở chừng mực nào đó, cũng là việc tạo điều kiện cho các nhà sản xuất bột ngọt xử lý được hàng trăm nghìn tấn chất thải lỏng sinh ra trong quá trình sản xuất. Nếu lượng chất thải này buộc phải xử lý theo qui trình xử lý chất thải công nghiệp, có lẽ nhà sản xuất phải bỏ ra chi phí không nhỏ.
Tại xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), ông Hoàng Văn Bình - chủ đại lý phân bón Ami Ami từ năm 1997 - cho biết riêng năm 2006 đại lý của ông cung cấp cho nông dân trong vùng lân cận khoảng 4 triệu lít Ami Ami, còn mùa vụ năm 2007 (từ tháng tư đến nay) khoảng 2,6 triệu lít. Nếu người mua đến tận nơi chở thì giá bán 130 đồng/lít, nếu đại lý chở đến vườn của nông dân giá bán 150 đồng/lít...
Một câu hỏi đặt ra: người nông dân đang mua phân có nguồn gốc từ chất thải công nghiệp bột ngọt liệu có xứng đồng tiền bát gạo, hay xét cho cùng họ đang bỏ tiền ra giúp các nhà sản xuất xử lý chất thải? Và ở đây nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” được hiểu như thế nào?
QUỐC THANH

1 nhận xét:

  1. Hãy đến với phudienlanh.com nếu bạn cần sửa chửa hay mua đồ điện lạnh.
    Sử dụng bangtailinhhoat.com để việc vận chuyển hàng được dễ dàng thuận lợi
    Đến với shiphanguc.com để mua hàng từ Úc một cách dễ dàng nhất tại Việt Nam.
    Cần vận chuyển hàng hóa trong nước hãy đến với nhanhnhudien.com.
    Nếu đang cần tìm nơi cho thuê xe hãy ghé vào: chothuexe7cho.org nhé.
    Cần chuyển hàng hóa từ bất kỳ một nơi nào trên thế giới về Việt Nam hãy sử dụng dịch vụ của chuyenhangvevietnam.com để hàng về đến tay nhanh chóng nhé.
    Đến với sieuthiamazon.com nơi bạn mua sắm được các mặt hàng trên amazon tại VN một cách dễ dàng nhất.
    Cần chuyển tiền gấp đã có chuyentien247.com để phục vụ nhu cầu của bạn.

    Trả lờiXóa